Xưa có bác thợ giày, chẳng tội tình gì mà làm ăn cứ ngày một sa sút, gia
sản cuối cùng còn lại là miếng da chỉ vừa đủ đóng một đôi giày. Tối bác
ngồi đo cắt, định sáng hôm sau sẽ khâu thành giày. Vốn tính phúc hậu,
cắt xong, bác yên trí lên giường, mới đặt mình xuống bác đã ngáy o o.
Sáng hôm sau, bác tính ngồi vào chỗ làm thì thấy đôi giày đã
đóng xong để ở trên mặt bàn. Bác lấy làm lạ, chẳng hiểu tại sao nó lại
làm như vậy.
Cầm giày lên ngắm bác thấy giày đóng thật đẹp, đường kim mũi
chỉ cẩn thận, sạch sẽ, không lỗi chỗ nào, sạch đẹp như một công trình
của thợ cả.
Ít lâu sau có người đến hỏi mua. Khách hàng thấy đôi giày
đẹp quá nên trả đắt hơn giá bình thường. Bác thợ giày lấy tiền ấy mua
được miếng da đủ đóng hai đôi giày. Tối bác ngồi đo cắt, định để sáng
hôm sau tỉnh táo sẽ khâu. Nhưng cũng giống lần trước, bác không phải mất
công khâu, lúc bác dậy thì cả hai đôi giày đã xong.
Giày đẹp nên chẳng thiếu gì người muốn mua, họ trả bác nhiều
tiền đến nỗi bác đủ tiền mua da đóng bốn đôi giày khác. Tối cắt da xong
lên giường ngủ, sáng hôm sau bác lại thấy cả bốn đôi đã xong.
Câu chuyện cứ như thế tiếp diễn, tối bác đo cắt thì sáng sau
thành giày. Chẳng mấy chốc bác trở nên khấm khá, cuối cùng trở thành
một người giàu có.
Một buổi tối, sắp đến ngày Chúa giáng sinh, bác lại ngồi cắt giày. Trước lúc đi ngủ bác nói với vợ:
- Mình nghĩ thế nào, hôm nay ta thức đêm rình xem ai đã giúp mình nhiệt tình như vậy.
Bác gái cũng đồng tình. Hai người che đèn rồi lẩn vào góc nhà, nấp sau đống quần áo treo ở đó để rình.
Đúng nửa đêm có hai người tí hon, nom rất dễ thương, mình
trần như nhộng đến ngồi bên bàn thợ giày. Họ kéo đống da đã cắt lại, rồi
hối hả gò, khâu, mấy ngón tay nhỏ xíu đưa kim tuốt chỉ nhanh thoăn
thoắt làm cho bác thợ giày phải ngạc nhiên, trố mắt ra mà nhìn. Hai
người tí hon cặm cụi mải miết làm việc cho tới khi khâu xong mới ngừng
tay, để giày lên bàn rồi nhảy đi mất hút.
Sáng hôm sau bác gái bảo chồng:
- Té ra mấy chú tí hon đã làm giúp nhà mình. Chúng ta phải
tạ ơn mấy chú ấy cho phải lẽ. Các chú ấy thật là tội nghiệp, đi đi về về
như thế mà manh áo che thân chẳng có, đành chịu rét mướt… Ông có biết
không, hay để tôi khâu cho mỗi chú một cái áo sơ mi, một cái áo khoác,
một cái áo vét và một cái quần nhé. Tôi đan cho mỗi chú một đôi bít tất
nữa. Còn mình hãy đóng cho mỗi chú một đôi giày nhỏ.
Bác trai nói:
- Thế thì tôi ưng quá đi chứ!
Đến tối thì quà tặng làm xong. Hai người để quà tặng lên
bàn, chỗ mọi ngày vẫn xếp da giày đã cắt, rồi lại nấp rình xem liệu hai
chú tí hon sẽ làm gì với đống quà ấy. Đúng nửa đêm lại chú tí hon nhảy
vào, định bắt tay ngay vào việc. Nhưng các chú chẳng thấy da cắt sẵn mà
chỉ thấy chồng áo quần nhỏ nhắn xinh xắn. Thoạt đầu hai chú hết sức ngạc
nhiên, nhưng rồi hai chú lộ vẻ hết sức vui mừng. Chỉ trong nháy mắt các
chú đã mặc xong quần áo, xỏ giày. Thích quá, các chú lấy tay vuốt vuốt
quần áo và hát:
Diện vào lịch sự hẳn lên,
Hỏi còn ai bảo là anh thợ giày.
Hai chú bước thấp bước cao, nhảy múa vui mừng, các chú nhảy
cả lên bàn, lên ghế. Sau đó vừa đi vừa nhảy múa kéo nhau ra cửa biến
mất. Từ hôm ấy không thấy các chú lại nữa. Còn bác thợ giày sống sung
túc, có đồng ra đồng vào, suốt đời bác mọi việc đều trôi chảy tốt đẹp.
CÔ NGƯỜI Ở ĐI ĐỠ ĐẺ
Ngày xửa ngày xưa có một cô người ở nghèo, cô rất siêng năng
và sạch sẽ. Ngày nào cũng như ngày nào, quét xong nhà cô hốt rác đổ ra
đống rác to trước nhà.
Có lần, vào buổi sáng lúc cô đag chuẩn bị làm việc thì thấy
một bức thư. Vì không biết đọc, cô dựng chổi vào góc nhà, rồi đưa thư
nhờ chủ nhà đọc cho nghe.
Đó là bức thư của những người Tí Hon, họ mời cô gái xuống đỡ
đẻ. Cô gái phân vân không biết nên như thế nào. Nghe mọi người dỗ dành
và khuyên, không nên từ chối những chuyện như vậy, cô gái đồng ý.
Có ba người Tí Hon đến đưa cô gái tới một hang núi, nơi
người Tí Hon sống. Mọi đồ vật ở đây đều nhỏ xinh, đẹp tuyệt vời chẳng
còn chê vào đâu được. Giường của người mẹ làm bằng gỗ mun đen bóng có
khảm ngọc trai, chăn đắp có thêu chỉ bằng vàng, chiếc nôi làm bằng ngà
voi, bồn tắm bằng vàng ròng.
Những người Tí Hon mời cô gái ở lại với họ ba ngày. Cô sống
sung sướng và vui vẻ. Những người Tí Hon rất nuông chiều cô.
Thời gian trôi qua, lúc chia tay những người Tí Hon tặng cô rất nhiều vàng và dẫn cô ra khỏi núi.
Trở về tới nhà, cô gái muốn bắt tay ngay vào việc. Cô cầm
chổi quét nhà. Giữa lúc đó có người từ trong buồng ra, hỏi cô là ai mà
lại quét nhà. Ba ngày cô ở nơi những người Tí Hon trong hang núi chính
là bảy năm. Chủ cũ của cô đã mất trong thời gian cô đi vắng.
ĐỨA TRẺ DỊ DẠNG
Có một bà mẹ bị những người Tí Hon bế đi mất đứa con yêu quý
khỏi nôi và thay vào đó là một đứa bé đầu to, hai mắt mở trừng trừng
khờ dại, nó chẳng biết gì ngoài ăn và uống.
Bà mẹ không biết làm sao, nên chạy sang hàng xóm hỏi. Người
hàng xóm khuyên nên nấu nước bằng hai cái vỏ trứng, khi đặt vỏ trứng lên
bếp thì đứa trẻ dị dạng sẽ cười. Nếu nó cười có nghĩa là xong chuyện.
Bà mẹ làm đúng mọi chuyện như lời hàng xóm nói. Khi vỏ trứng
được đặt lên bếp để đun nước thì đứa trẻ dị dạng kia nói:
- Ta già như cánh rừng kia mà chưa bao giờ thấy cảnh người đun nước bằng vỏ trứng.
Và nó phá lên cười. Cùng lúc đó, rất đông người tí hon xuất hiện, và bồng nhấc đứa trẻ dị dạng đi mất.
No comments:
Post a Comment